Làm sao để duy trì và truyền đạt văn hóa mẹ đẻ một cách triệt để và tự nhiên nhất?

2014-05-06 / Thanh Hà / Làm sao để duy trì và truyền đạt văn hóa mẹ đẻ một cách triệt để và tự nhiên nhất? / Tiếng Việt / Không


Tuần Văn hóa Việt Nam –
Cách duy trì và truyền đạt văn hóa mẹ đẻ triệt để và tự nhiên nhất

Như chúng ta đã biết, hiện nay tại Đài Loan, số lượng người di dân mới cùng con cái của họ đã lên tới hàng trăm ngàn người. Lực lượng này chính là nguồn lực mới cho xã hội Đài Loan vốn đang bị già đi, và những nền văn hóa gốc của họ đang mang lại nguồn gió mới làm phong phú cho nền văn hóa vốn rất đa dạng của Đài Loan. Nhận rõ sức mạnh này nên vài năm gần đây chính phủ Đài Loan đã rất tích cực phát triển và thúc đẩy tuyên truyền văn hóa đa nguyên từ các tộc người mới tới cho dân chúng Đài Loan được hiểu thêm về những di dân mới sống ngay cạnh họ. Những kế hoạch, những dự án được tổ chức và thực hiện rất nhiều, tuy nhiên cần triệt để hơn và thấm nhuần một cách tự nhiên hơn chứ không chỉ là sự sắp đặt hay là những hoạt động bề nổi.
Duy trì và truyền đạt văn hóa quê mẹ một cách tự nhiên và đơn giản nhất đó là sự truyền đạt từ mẹ cho con. Chính những bà mẹ, ông bố mang dòng máu và nền văn hóa khác với Đài Loan là những người thầy hướng dẫn văn hóa và ngôn ngữ đa nguyên thiết thực nhất. Trong mỗi gia đình di dân mới, con trẻ được tiếp xúc với ít nhất hai nền văn hóa của cha và mẹ, hay nhiều hơn nữa là của ông và bà. Nếu biết cách duy trì và phát huy, đó sẽ chính là ưu điểm tuyệt đối của con em họ trong tương lai so với những người chỉ được sống trong một môi trường văn hóa đơn sắc. Để duy trì một cách tự nhiên nhất đó là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta, những người di dân mới phải có trách nhiệm hướng dẫn, dạy bảo và dẫn dắt con trẻ tiếp xúc và thưởng thức văn hóa và ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, vì không ai khác, chúng ta là người tiếp xúc thường xuyên và thân thiết nhất với các bé, chứ không nên đợi chính phủ hay trường học mở lớp thì chúng ta mới cho con mình đi học. Vì như vậy các bé sẽ chỉ được tiếp xúc một cách thụ động, không thường xuyên và liên tục, cho nên những kiến thức văn hóa đó sẽ luôn là một sự mới mẻ, ngoại lai chứ không phải là bản sắc. Ngoài việc dạy ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ của mình cho con cái ngay tại nhà, chúng ta có thể tranh thủ những cơ hội ngoài cộng đồng để các bé được giao lưu, học hỏi và thể hiện mình để tạo thêm cho bé sự tự tin, sự ưu việt của bản thân bé.
Những năm gần đây, ngoài sự nỗ lực của chính phủ Đài Loan thì những chương trình quảng bá văn hóa của các tổ chức đoàn thể di dân mới cũng là một lực lượng không thể thiếu trong sứ mệnh duy trì và truyền bá văn hóa đa nguyên tại Đài Loan. Cộng đồng người Việt tại Đài Loan không hề nhỏ, mỗi địa phương, mỗi nhóm người lại có một tổ chức đoàn thể khác nhau nhưng tất cả cùng chung một sứ mệnh là duy trì và truyền bá văn hóa Việt Nam tới các bạn bè Đài Loan và quốc tế. Tại Đài Nam, nơi mà sự kết nối giữa các di dân mới là những người kết hôn tới đây có vẻ lỏng lẻo thì có một tổ chức vững mạnh hơn đảm nhiệm sứ mệnh này. Đó là Hội Sinh viên Việt Nam tại trường Đài học Quốc lập Thành Công. Đây là Hội gồm các du học sinh Việt Nam đang theo học tại tất cả các khoa, ngành của trường Thành Công tập hợp lại mà thành. Đã tám năm nay, từ buổi ban đầu thành lập hội với mười mấy người, đến nay hội đã có trên 150 thành viên và sứ mệnh hàng năm của Hội là tổ chức tuần Văn hóa Việt Nam để giới thiệu văn hóa Việt đến với người Đài Loan và bạn bè quốc tế. Những chương trình của hội mỗi năm đều có những khác biệt nhưng luôn mang đậm màu sắc dân tộc, từ những món ăn dân dã rất Việt, tới những trò chơi dân gian từ Bắc chí Nam như ném còn, đập niêu, đi cầu khỉ, nhảy sạp v.v. và hàng năm đều có chương trình văn nghệ đặc sắc. Năm 2014 này ngoài những trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ còn có một tiết mục cực kỳ hấp dẫn và đặc biệt. Đó là tiết mục múa và hoạt cảnh “Hạt gạo làng ta” do các thiếu nhi là con em của di dân mới và con em của các du học sinh trong trường biểu diễn. Tiết mục do 9 bé từ mẫu giáo tới tiểu học đảm nhiệm múa và diễn kịch, tái hiện hình ảnh của Lang Liêu sử dụng hạt gạo làm nên bánh chưng bánh giầy dâng cho vua cha là Hùng Vương thứ sáu và sau đó được nhường ngôi báu cho. Tiết mục chỉ có hơn 4 phút nhưng các bé đã phải tập từ trước đó hàng tháng trời. Vào mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, các bố các mẹ lại đưa con tới sân trường Thành Công để cho các bé tập múa tập diễn. Sau buổi ban đầu bỡ ngỡ chưa quen thì sau đó các bé đã quen nhau và đã thành bạn tốt của nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là qua quá trình tập luyện, các bé được ba mẹ kể cho nghe câu chuyện về hạt gạo Việt Nam, về Lang Liêu, về tục làm bánh chưng, bánh giầy của người Việt, và nhất là được lên sân khấu thể hiện mình. Đó chính là một cơ hội không phải ai cũng có thể trải qua. Để rồi sau khi biểu diễn xong, các bé vẫn lẩm nhẩm những lời ca hay đưa tay lên múa mỗi khi rảnh rỗi. Đó, văn hóa quê mẹ đã thấm nhuần một cách rất tự nhiên trong tâm khảm của bé, để khi có dịp về quê ngoại, bé sẽ có cảm giác là được về nhà chứ không phải chỉ là một chuyến du lịch nước ngoài.