Lấy chồng xa xứ

2015-3-2  / Emily / Lấy chồng xa xứ / Tiếng Việt / Khong

"Có con mà gả chồng gần
  Có bát canh cần nó cũng đem cho
  Có con mà gả chồng xa
  Trước là mất giỗ, sau là mất con"

Cũng giống như lời người xưa dạy, mẹ thường thủ thỉ với nó sau này nên lấy chồng gần chứ đừng như mẹ lấy chồng ở một miền quê nghèo cách xa vài trăm km, đi lại không những xa xôi mà cuộc sống làm dâu cũng nhiều vất vả. Những lúc ấy nó vẫn vô tư ôm mẹ thủ thỉ rằng nó sẽ lấy chồng gần để ít nhất hàng tuần đều có thể chạy về bên mẹ thưởng thức các món ngon do mẹ nấu.

Nhưng cuộc đời nhiều khi chẳng giống như ta nghĩ. Cho đến một ngày, nó gặp tình yêu đầu đời của mình. Đó là một anh chàng đồng nghiệp mang quốc tịch Đài Loan. Tình yêu cứ lớn dần lên sau những buổi gặp gỡ, hẹn hò. Sau lời cầu hôn ngọt ngào của người yêu, nó thông báo với cả nhà muốn kết hôn. Chả phải nói, trong nhà ai cũng phản đối kịch liệt. Không phải vì rào cản ngôn ngữ mà gia đình nó ngăn cấm. Vì nó làm phiên dịch cho công ty Đài Loan tại Việt Nam, nên việc giao tiếp với người Đài bằng tiếng Trung không hẳn quá khó khăn. Lí do bố mẹ nó phản đối vì từ nhỏ tới lớn nó đã quen sống trong sự bao bọc yêu thương của gia đình, trong mắt bố mẹ nó vẫn còn trẻ con, chưa tự lập. Anh chàng kia lại là con trai trưởng trong gia đình, thế nên gánh nặng của nàng dâu trưởng trong gia đình mẹ nó là người hiểu hơn ai hết vì bản thân bà cũng là một nàng dâu trưởng trong gia đình chồng như thế. Bố mẹ nó lo nếu nó sang Đài sống sẽ không biết xoay sở mọi chuyện, gánh nặng của nàng dâu trưởng không phải đơn giản như trong suy nghĩ của nó.

Thế rồi cùng với thời gian và sự kiên trì của nó, cuối cùng gia đình nó cũng phải đồng ý để hai đứa kết hôn. Một năm sau ngày cưới, gia đình nhỏ của nó đón thêm một thành viên mới trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Cuộc sống yên bình cứ lặng lẽ trôi đi. Khi con cứng cáp hơn chút, nó nhờ bố mẹ đẻ chăm con hộ, còn đôi vợ chồng trẻ vẫn tiếp tục đi làm công việc mà cả hai đều yêu thích.

Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, đã xảy ra một vài biến cố, thay đổi trong công việc nên chồng nó quyết định đem vợ con về Đài sinh sống. Thế là bắt đầu từ đây, cuộc đời nó bước sang một trang hoàn toàn mới.

Dù khi quyết định kết hôn với anh chàng khác quốc tịch, nó cũng có một sự chuẩn bị tư tưởng bất cứ lúc nào cũng có thể phải theo chồng về dinh. Thế nhưng thực tế khi bước chân sang xứ người, có quá nhiều sự khác biệt khiến nó không khỏi bỡ ngỡ và mất khá nhiều thời gian để thích nghi và hòa nhập vào cuộc sống mới. Rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống, phong tục tập quán...giữa hai lãnh thổ khiến nàng dâu mới như nó không phải một sớm một chiều là có thể thích nghi ngay được.

Nếu như ở Việt mình, đã qua rồi cái thời người phụ nữ chỉ phải ở nhà làm công việc nội trợ, nuôi dạy con cái để người chồng toàn tâm toàn ý đi làm kiếm tiền. Người phụ nữ Việt trong xã hội hiện đại là người phụ nữ không chỉ quán xuyến tốt công việc trong gia đình mà còn đi làm kiếm tiền ngoài xã hội, cùng chồng chăm lo vun vén cho tổ ấm của mình.

Mỗi người có một quan niệm khác nhau, hoàn cảnh và điều kiện kinh tế khác nhau. Phụ nữ Việt hiện nay vẫn có nhiều người theo quan niệm truyền thống cũ muốn chỉ ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc chồng con là đủ; lại có người muốn được ra ngoài xã hội làm công việc mà mình yêu thích nhưng cũng không quên làm tốt những công việc trong gia đình. Thế nên dù họ lựa chọn như thế nào thì điều quan trọng nhất với người phụ nữ ấy là sự tự nguyện, chỉ cần họ tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc thì bất kể sự lựa chọn nào, sự hi sinh nào cũng có ý nghĩa riêng của nó.

Đa số nàng dâu quyết định lấy chồng xa xứ, khi sống tại xứ người đều phải học cách ""nhập gia tùy tục"". Ở một số nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan theo quan niệm truyền thống, phụ nữ những nước này phần đông đều không đi làm mà tự nguyện ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái để người chồng đi làm kiếm tiền. Nói chẳng đâu xa chứ mẹ chồng nó cũng là người phụ nữ không đi làm mà ở nhà làm hậu phương vững chắc cho chồng để chồng đi làm kiếm tiền ngoài xã hội. Do sự ảnh hưởng của quan niệm truyền thống, của gia đình, thêm vào đó con còn quá nhỏ không nhờ được ai chăm sóc hộ nên nó đành phải tạm gác lại ước mơ, sự nghiệp nơi nước mẹ đẻ để bắt đầu cuộc sống mới tại xứ người với vai trò là một người nội trợ trong gia đình. Với nó, một người trước đây rất coi trọng sự nghiệp, nay phải ở nhà làm công việc nội trợ và các công việc không tên khác trong gia đình, thời gian đầu ở nhà không tránh khỏi có cảm giác hụt hẫng, không quen. Làm sao mà quen ngay được khi chỉ thời gian ngắn trước đó nó còn là một cô nàng công sở với quần áo, váy áo đẹp và một công việc yêu thích, hàng ngày được tiếp xúc với nhiều người ở nhiều tầng lớp, nhiều ngành nghề khác nhau: từ anh chàng tài xế lái xe cho công ty, anh nhân viên bảo vệ đến nhân viên cơ quan nhà nước: cục thuế, cục hải quan, sở môi trường...
Vậy mà hiện tại công việc hàng ngày của nó chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình: nào nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, tắm cho con, cho con ăn... Sự tiếp xúc hàng ngày của nó cũng chỉ là giữa nó với các thành viên khác trong gia đình chồng. Mà cuộc sống làm dâu, sống chung trong gia đình chồng với nhiều thành viên, nhiều thế hệ đâu chỉ đơn giản như thế. Cho dù nó cũng biết tiếng Trung ở một trình độ nhất định, nhưng nó vẫn không phải là người bản xứ, không phải cái gì cũng hiểu hết, rào cản về ngôn ngữ nhiều khi gây ra những sự hiểu nhầm trong việc trao đổi thông tin giữa nó và các thành viên trong gia đình chồng khiến đôi bên nhiều khi không vui vẻ. Rồi những va chạm Mẹ chồng - Nàng dâu do chung sống cùng một nhà là điều không thể tránh khỏi do sự khác biệt về lối sống, quan điểm, suy nghĩ giữa hai người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau của hai đất nước hoàn toàn khác nhau. Cuộc sống vợ chồng dù xuất phát từ tình yêu nhưng cũng không tránh khỏi những lúc ""Cơm không lành, canh không ngọt"" khiến nó nhiều khi không khỏi cảm thấy thất vọng, chán chường. Rồi còn vấn đề muôn thuở ""Tiền"" nhiều khi cũng làm nó cảm thấy đau đầu.

Nếu trước đây thời còn đi làm, nó độc lập, tự chủ về tài chính, nhiều khi bản thân muốn mua gì, tiêu gì cũng cảm thấy tự do, thoải mái. Giờ tại xứ người, bản thân nó không đi làm mà trở thành người nội trợ trong gia đình, khi cần mua sắm gì cho cá nhân hay cho con... nó cũng đều phải lấy tiền từ chồng hoặc từ mẹ chồng. Ở gia đình chồng, mẹ chồng nó tuy chỉ ở nhà làm nội trợ nhưng từ trước đến giờ vẫn làm thêm ở nhà nên hàng tháng cũng có một khoản thu nhập nhất định, mọi việc chi tiêu lớn bé, chợ búa trong gia đình, mẹ chồng nó là người lo liệu hết. Chồng nó trước đây đi làm, tiền lương hàng tháng được công ty trả cố định vào tài khoản. Thẻ tài khoản chồng nó đưa cho mẹ cầm hộ để cùng mẹ đóng góp chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Khi chồng nó cần tiền thì lại lấy tiền mặt từ bà. Chồng nó hàng tháng không đưa tiền tiêu vặt cho vợ, mà chỉ bảo: ""Em ở nhà thì tiêu gì đến tiền, mọi thứ đều do mẹ mua rồi, nếu cần mua sắm gì cho cá nhân hoặc cho con thì bảo mẹ mua hộ hoặc lấy tiền từ mẹ"". Chồng nó đã nói như thế nhưng cuộc sống phụ thuộc gia đình chồng về kinh tế nhiều khi làm nó cảm thấy nhiều áp lực. Dù nó không phải tuýp người vợ tiêu hoang, sắm phí, thích chưng diện cho bản thân nhưng thử hỏi ra đường mà trong túi chả có đồng nào, muốn mua chai nước để uống chả nhẽ cũng chạy về nhà hỏi xin tiền từ mẹ chồng, như thế có hay không? Bởi lẽ nhiều lúc bắt gặp ánh mắt không mấy thiện cảm từ mẹ chồng khi nó hỏi đến vấn đề tiền nên nó có bàn với chồng muốn kiếm việc gì đó làm thêm ở nhà lúc rảnh rỗi để có đồng ra đồng vào, muốn mua gì cho bản thân và cho con cũng thoải mái. Nhưng chồng nó không đồng ý, muốn nó toàn tâm toàn ý với việc nhà và chăm sóc con. Chồng nó lại chỉ muốn nó lấy tiền từ mẹ, bảo nó không việc gì phải ngại ngùng cả. Nó đã từng bảo chồng: "" Em là con dâu chứ không phải con gái mẹ, nhiều khi cũng phải giữ ý tứ, việc gì cũng hỏi xin tiền mẹ cũng không tiện"".

Vấn đề tiền bạc tuy là vấn đề rất nhạy cảm nhưng con người ta không thể không quan tâm tới nó. Nhiều khi lời nói con người lại không phải lúc nào cũng đi liền với hành động. Kí ức buồn không hiểu sao cứ lần lượt hiện về trong đầu nó.
Nó vẫn còn nhớ đợt mới sang Đài, chồng nó đăng ký cho nó một số điện thoại di động để tiện liên lạc. Thực tế nó ít dùng điện thoại di động vì toàn ở nhà, chỉ khi nào cần gọi cho chồng những lúc có việc thì mới sử dụng di động. Nó còn nhớ như in một buổi sáng, mẹ chồng nó với vẻ mặt tức giận gọi riêng nó ra để hỏi: ""Sao tháng vừa rồi tiền di động dùng gì mà hết nhiều thế? Những hơn 200 đài tệ? Gọi quốc tế à?"".
Oan cho nó quá! Nào nó có dùng di động để gọi điện thoại cho bố mẹ đẻ bao giờ đâu. Nó biết gọi điện thoại quốc tế từ số di động là rất đắt nên từ hồi sang đây tới giờ, nó thi thoảng gọi cho bố mẹ đẻ chỉ toàn dùng thẻ điện thoại chuyên gọi đi quốc tế cho rẻ. Mẹ chồng và chồng nó vẫn biết điều đó mà.
Dù nghe bà hỏi thế, trong lòng rất buồn nhưng nó cũng chỉ nhỏ nhẹ đáp lời mẹ chồng là nó không gọi quốc tế mà là gọi di động cho một người bạn cùng lớp Đại học cũng lấy chồng và đang sinh sống ở Đài, lâu lâu mới liên lạc nên có nói chuyện với bạn hơi lâu một chút. Nó cũng không quên nói với mẹ chồng: ""Xin lỗi mẹ, nếu mẹ không thích, từ nay về sau con sẽ không gọi điện thoại cho chị bạn ấy nữa để đỡ tốn tiền"".

Chao ôi! Trong lòng nó buồn đến tê tái, vẫn biết nó không đi làm, không có kinh tế riêng, đến tiền cước di động hàng tháng cũng phải nhờ người khác chi trả hộ. Thế nhưng nó không nghĩ rằng chỉ vì tháng đó tiền cước hơn những tháng khác có một chút mà mẹ chồng nó nỡ tỏ thái độ như thế với nó, như thể nó là người tiêu hoang, không biết nghĩ đến những người đã vất vả kiếm ra đồng tiền. Xin nói thêm rằng trong hơn 200 đài tệ tiền cước tháng đó là có 88 tệ cước thuê bao cố định hàng tháng. Nói như vậy nghĩa là tiền cước thực tế gọi cho người bạn là hơn 100 đài tệ, tức khoảng hơn 70 nghìn đồng.
Nó lại nhớ thời ở quê nhà, hồi còn đi làm, nó cũng rất tiết kiệm mà hàng tháng cũng mất tầm 300 đài tệ, khoảng 200 nghìn đồng tiền cước điện thoại di động. Số tiền cước di động đó ở quê nhà nó chỉ là một con số rất đỗi bình thường.

Tối hôm đó, nó có đem chuyện lúc ban sáng đó kể với chồng, chồng nó chỉ nói mỗi câu: ""Chắc e nghe nhầm, mẹ hỏi thế vì có lẽ mẹ nhầm với số của anh nên tưởng anh gọi quốc tế"".
Số điện thoại chồng nó đã sử dụng hơn 20 năm rồi cơ mà, tháng nào bà chả đi nộp tiền cước điện thoại dùm, chả nhẽ bà lại không nhớ số? Mà tiền cước điện thoại của chồng luôn ở ngưỡng 1000 đài tệ trở lên chứ không phải ở con số 200, 300 tệ như thế.

Dù biết chồng cố lái câu chuyện theo hướng khác vì không muốn nó nghĩ nhiều, nhưng nó không trách chồng bởi từ nhỏ đến giờ chồng nó luôn nghe theo lời bà. Trong công việc hay trong cuộc sống khi gặp bất cứ chuyện gì, chồng nó phần nhiều đều tâm sự, bàn bạc với mẹ trước rồi mới quyết định. Ngay cả việc nhỏ nhất là đi làm có việc đột xuất về muộn, chồng nó cũng đều chỉ gọi cho mẹ thông báo, rồi sau đó bà mới bảo lại cho nó biết. Tất nhiên nó không so sánh, nó nghĩ coi mẹ là người quan trọng và muốn tâm sự với mẹ, việc ấy đối với chồng nó là điều bình thường và đã trở nên quen thuộc từ nhiều năm nay. Nhưng nhiều khi có những chuyện riêng tư đang được bàn bạc giữa hai vợ chồng mà chưa đạt được sự thỏa thuận, thống nhất chung, chồng nó tất tần tật cũng đi kể với mẹ, rồi bà lại đi kể với các thành viên khác trong gia đình. Chuyện vui giữa hai vợ chồng thì chả có gì đáng nói, nhưng nhiều khi có những chuyện nói ra làm mọi người không vui vẻ, dưới con mắt của mọi người, dường như nó biến thành nàng dâu tuy mới về nhà chồng nhưng ưa đòi hỏi.

Với nó chính trong những phút giây trống trải, cô đơn, cảm thấy bơ vơ nhất, trong những nỗi ấm ức tủi hờn... mà không thể tìm được tất cả những sự an ủi ấm áp, bao dung bên người chồng mình. Nó lại nghĩ đến mẹ và hiểu rằng: trên cuộc đời này chỉ có duy nhất một bờ vai để nó có thể dựa vào mà khóc, chỉ có một người mới có thể là niềm an ủi, giúp khỏa lấp tất cả, chỉ có thể là mẹ đẻ mà thôi. Giờ nó đã thấu hiểu nỗi lòng của các bậc làm cha mẹ luôn mong con gái lấy chồng gần không phải là vì mong ""bát canh cần"" con biếu, mà trên hết họ muốn là chỗ dựa về mặt tinh thần, là vòng tay dang rộng ôm ấp, vỗ về cho những đứa con thân yêu của mình khi họ ở vào hoàn cảnh buồn đau, cảm thấy trống trải nhất.

Một mùa xuân mới lại về trên quê hương thứ hai của nó. Cho đến thời điểm hiện tại, nó đã đón ba cái Tết ở xứ người. Tết ở Đài nhẹ nhàng, đơn giản, không náo nhiệt như Tết Việt quê nhà nó. Tết ở đây chỉ đơn giản là kỳ nghỉ dài sau những ngày làm việc vất vả. Như gia đình chồng nó ở đây chỉ cùng nhau đi lễ chùa vào ngày mùng Một Tết, các ngày còn lại chỉ toàn ở nhà chơi mạt chược và ăn uống cùng nhau chứ không đi đâu cả.
Với những người con xa quê hương như nó, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về như thế, trong không khí nhà nhà người người sum họp, quây quần đầm ấm bên nhau, trong lòng nó lại không khỏi bùi ngùi nỗi nhớ gia đình, quê hương da diết. Tết Việt với những người con xa quê như nó luôn trở nên đặc biệt thiêng liêng với kí ức về hình ảnh cành đào, chậu quất, chiếc bánh chưng xanh, củ dưa hành, lọ hoa đua nhau khoe sắc hay mâm ngũ quả nhiều màu sắc trên bàn thờ gia tiên... Tất cả đều đậm chất Việt mà không lẫn với bất kỳ quốc gia nào. Với nó ở nơi xa này chỉ có thể khỏa lấp nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cách xa cả nghìn km bằng những cuộc điện thoại đường dài mà thôi. Thi thoảng được nghe giọng nói thân thương, ấm áp của bố mẹ cũng giúp nó vơi bớt phần nào nỗi nhớ người thân da diết. Nó vẫn biết ở phương trời xa kia, mẹ nó vẫn nhiều đêm khóc thầm vì thương nhớ con gái. Dù không nói ra nhưng nó biết bố mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân nó đi. Nó sẽ luôn khắc ghi lời căn dặn của bố mẹ là cho dù thế nào thì cũng luôn cố gắng sống tốt, hiếu thảo, quan tâm đến bố mẹ chồng và các thành viên khác trong gia đình chồng, chăm sóc chồng con chu đáo.

Mùa xuân năm nay, trong lòng nó đang nhen nhóm một niềm vui nho nhỏ. Vợ chồng nó sẽ cho con đi nhà trẻ, tới lúc đó nó có thể đi tìm một công việc phù hợp để làm. Dù chồng nó vẫn muốn nó tiếp tục ở nhà làm nội trợ cho đỡ vất vả. Nhưng nó đã quyết định sẽ đi làm trở lại. Với nó, công việc không chỉ là đem lại một nguồn thu nhập nhất định, giúp nó độc lập về tài chính, giải tỏa tâm trạng lo âu, buồn phiền, mà còn là cơ hội để nó gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, mở mang kiến thức, tầm nhìn và thế giới quan.

Cuộc sống của nó ở gia đình chồng dù trải qua nhiều sóng gió, sự hiểu nhầm, có cả những tranh luận gay gắt, những nỗi tủi hờn... nhưng qua đó nó thấy mình trưởng thành hơn, bản thân nó giờ đã có cái nhìn nhẹ nhàng và tích cực hơn về cuộc sống chung cùng gia đình chồng. Giờ đây chồng nó và gia đình chồng cũng quan tâm, thông cảm và hiểu nó hơn trước, điều đó làm nó cảm thấy được an ủi một phần nào khi sống ở nơi đất khách quê người này. Bản thân nó cũng cố gắng thích nghi, cố gắng làm tròn bổn phận của một người vợ, người con dâu trong gia đình.

Dù biết sẽ còn vô vàn thách thức, khó khăn đang chờ nó phía trước, nhưng đã quyết định và lựa chọn cuộc sống này rồi thì phải cố gắng tự mình vượt qua mọi khó khăn, chỉ ngồi than thân, trách phận cũng chả giải quyết được vấn đề gì cả. Cuộc sống mới trên quê hương mới vẫn đang chờ nó khám phá từng ngày. Nó tự nhủ biết dung hòa, dẹp bỏ bớt cái tôi cá nhân để hòa nhập vào cuộc sống của gia đình chồng, có như thế bản thân mới bớt căng thẳng, cuộc sống mới trở nên nhẹ nhàng và có ý nghĩa hơn.

""Hoa nở, hoa tàn, tôi cũng đều trân trọng"", đó là lời bài hát nó tạm dịch trong bộ phim Osin của Nhật mà nó thấy rất hay và có ý nghĩa. Nó muốn nhắn nhủ các cô gái Việt đã, đang và sẽ có ý định lấy chồng xa xứ rằng dù nhiều khi hoàn cảnh sống thực tế không như mình mong muốn thì cũng vẫn nên trân trọng cuộc sống, chừng nào vẫn còn có thể cố gắng thì đừng từ bỏ. Như lời một nhà văn nước ngoài đã từng nói: ""Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí""...