Giấc mơ nơi xứ người



2014-04-29 / Thỏ Trắng Giấc mơ nơi xứ người / Tiếng Việt / Không


Bất cứ người con gái nào khi lớn lên cũng mơ ước tương lai của mình được tươi sáng, sẽ gặp được người mình yêu thương, sẽ có công việc ổn định và xây dựng một gia đình bé nhỏ, và tôi – một người con gái Kinh Bắc cũng từng khao khát có được hạnh phúc như bao cô gái khác. Nhưng trong cuộc sống có bao nhiêu điều được như ta mong muốn?
Đầu năm 2000, bố tôi qua đời để lại cho mẹ 2 đứa con thơ khi đó tôi chưa tròn 16 tuổi, em trai tôi chưa tròn 13 tuổi cùng với khoản tiền nợ chữa bệnh cho bố và tôi. Hoàn cảnh gia đình và sức khỏe buộc tôi phải nghỉ học để đi làm giúp mẹ nuôi em, nhưng cũng không vượt qua được cảnh nghèo khó. Mẹ tôi quyết định vay tiền cho tôi xuất khẩu lao động sang Đài Loan mong cuộc sống sẽ khá hơn. Ngày tôi nhập học với bao ước mơ và mong muốn sẽ được nhanh chóng qua Đài Loan để kiếm tiền giúp đỡ mẹ và em. Sau 2 tháng học tập tôi đã được trúng tuyển và có lịch bay, nhưng với số tiền tổng cộng là 7000 USD thì gia đình tôi phải chạy vạy vay mượn toàn bộ. Và ngày bay cũng đến cuối cùng tôi cũng có mặt ở Sân bay Nội Bài, vừa vui vừa buồn và nỗi lo lắng trong lòng tôi luôn trào dâng: chi phí đi lại quá lớn đến bao giờ tôi mới kiếm đủ? Thoáng chốc, máy bay đã đến Sân bay TAIWAN, lại một nỗi lo lắng nữa ùa về đó là không biết có được vào công ty tốt, nhiều việc làm thêm hay không? Bao nhiêu tháng mới gửi được tiền về cho gia đình đây?
Công ty tôi ở Quây Shàn, tôi vào làm ở bộ phận QC, 4 tháng đầu vì là công nhân mới nên tôi không được làm thêm. Tháng thứ 5 tôi mới được làm thêm nhưng vì công ty chỉ trả lương làm thêm 1,33 nên tôi có cố gắng làm thêm thật nhiều cũng không được bao nhiêu tiền. Sau đó kinh tế khó khăn công ty chỉ có chế độ làm việc 8 tiếng và không có tăng ca. Sắp hết 2 năm hợp đồng nhưng tôi vẫn chưa làm được đủ 7000 USD, nỗi lo lắng vẫn canh cánh trong lòng, nghĩ đến mẹ già, đứa em trai vẫn đang còn đi học và số tiền vay nợ để đi xuất khẩu lao động tôi lại rơi nước mắt.
Sang Đài Loan được duyên trời se tôi gặp được anh, người mà tôi yêu và tin tưởng sẽ cùng nhau đắp xây hạnh phúc đến trọn đời. Anh ở Đài Trung, tôi ở Tảo Yán nên cũng ít khi được gặp mặt, tình yêu của chúng tôi dành cho nhau chủ yếu qua điện thoại và cách mấy tuần anh mới lên gặp tôi một lần. Có anh an ủi động viên khiến tôi vơi đi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Rồi anh cũng đến ngày về nước và gửi lại tôi lời hứa rằng: sẽ quay trở lại Đài Loan, chúng mình sẽ kiếm tiền rồi cùng nhau xây một ngôi nhà nhỏ. Lời hứa đó tôi đã giữ trong lòng và mong chờ anh quay lại, nhưng người ta thường nói “xa mặt cách lòng, lời hứa như gió thoảng mây trôi”. Anh về nước được 2 tháng thì dần dần anh ít gọi điện và nghe điện thoại của tôi. Rồi một ngày, điều gì đến cũng đã đến, điều đau đớn nhất trên đời mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến là anh lại đối xử với tôi như vậy. Buổi tối hôm đó em trai tôi gọi điện cho tôi bảo : “Sao người yêu chị lại về nhà Chiêm (cô bạn thân của tôi) chơi mấy ngày?” Vì Chiêm là cô bạn thân của tôi từ thuở bé cho nên tôi đã cho anh số điện thoại để họ có thể kết bạn cho đỡ buồn khi không có tôi bên cạnh, nào ngờ “tin bạn mất chồng”. Tôi đau đớn vì bị người yêu và bạn thân phản bội, chỉ biết khóc cho số phận chớ trêu lại xảy đến với tôi như vậy. Trong khoảng thời gian đó, hầu như sau giờ làm tôi chỉ biết tìm một góc nào đó để lấp mình khóc cho vơi bớt vết thương lòng.
Chuyện cũ chưa nguôi thì chuyện mới lại đến, vừa hết hạn 2 năm thì tôi nghe nói công ty ít việc nên không cho tôi ký gia hạn hợp đồng thêm 1 năm. Tin đó như sét đánh mang tai. Mẹ già đau yếu, em trai thất nghiệp, nợ vẫn chưa trả hết, người yêu và bạn thân phải bội, với tôi như vậy là hết. Tôi như con thiêu thân bị lạc đường không biết đi đâu về đâu và phải làm thế nào? Tôi quyết tâm không để về tay trắng, không thể để mẹ và em chịu khổ, không thể để 2 con người nhơ bẩn đó cười vào mặt tôi được. Vào một ngày cô bạn “tốt” đó gọi điện báo tin đã mang thai với tên Sở Khanh kia tôi đã quyết định mở cho cuộc đời mình một trang sách mới đó là quyết định “lấy chồng Đài Loan”. Lấy chồng Đài Loan tôi sẽ được ở lại lâu hơn, có điều kiện giúp đỡ mẹ và em. Sau 2 lần về nhà bạn trai người Đài Loan để tìm hiểu và tôi đã quyết định làm đám cưới (tất nhiên là phải có chấp thuận từ phía gia đình của tôi). Vì tôi sắp phải về nước và vì người chồng bây giờ của tôi lúc đó giấy tờ ly hôn chưa được rõ ràng nên chúng tôi chỉ chụp ảnh cưới. Khi tôi chuẩn bị về nước là lúc tôi biết tôi đã mang thai, tôi không biết là nên vui hay nên buồn vì tôi về nước đợi làm thủ tục kết hôn, tôi đã đánh cược cả cuộc đời tôi vào canh bạc: “được thì mở mày mở mặt, thất bại thì sẽ rất nhục nhã và đắng cay”.
Sau 2 năm xa cách tôi cũng đã được đặt chân trở vể mảnh đất thân yêu, trở về ngôi nhà nhỏ nhưng đầy ắp tình thương yêu ấm áp của gia đình, nơi đó có mẹ hiền và em trai đang ngày ngày mong mỏi người con, người chị từ phương xa trở về. Tôi trở về nhà với cái bụng ngày càng to và nỗi lo trong lòng liệu mình đánh đổi cuộc đời mình với canh bạc này là đúng hay sai? Bao nhiêu lời đồn đại, dị nghị từ bên ngoài, tuy mẹ luôn động viên tôi để tôi không suy nghĩ nhiều khi mang thai nhưng tôi biết mẹ lo lắng cho tôi rất nhiều nhưng mẹ kiềm chế và giấu diếm nỗi lo lắng đó.
Thấm thoát cũng đã đến ngày sinh nở, và tôi đã sinh được một cậu bé trắng trẻo, dễ thương. Chồng tôi biết tin đã rất vui và khi tôi sinh được 25 ngày thì bố mẹ chồng và chồng tôi về Việt Nam thăm hai mẹ con, khi đó mới hết lời dèm pha đồn đại của dân làng. Khi con tôi 2 tuổi thì tôi mới làm xong thủ tục kết hôn, những ngày hai mẹ con tôi ở Việt Nam thì chồng tôi cũng làm tròn bổn phận của một người cha là gửi tiền về để tôi nuôi con nên tôi cũng không lo lắng gì. Việc làm thủ tục để hai mẹ con tôi sang đó cũng gặp nhiều khó khăn và tốn kém, không ít lần người chồng Đài của tôi phải đi lại sang Việt Nam lo giấy tờ. Cuối cùng cái ngày mong đợi cũng đã đến, cầm được hộ chiếu và Visa trong tay, giây phút bên người thân sắp hết, bàn tay nắm lấy bàn tay người mẹ già và em trai, từng giọt nước mắt rơi trên đôi gò má gầy gò của mẹ. Mặc dù mẹ đã cố giấu nước mắt để tôi không nhìn thấy sự lo lắng của mẹ khi tôi một thân một mình đi làm dâu xứ người chịu bao thiệt thòi mà không có người thân bên cạnh động viên chia sẻ…lời cuối mẹ dặn trước khi tôi vào phòng kính ở sân bay “Con hãy nhớ lời mẹ dặn, bố mẹ chồng cũng như gia đình chồng cũng giống như gia đình con, con phải yêu thương và chăm sóc cho gia đình chồng con, mẹ biết con sẽ gặp không ít khó khăn, sẽ nhiều khi buồn tủi, cô đơn nhưng mẹ tin con gái mẹ sẽ đủ nghị lực để vượt qua, mẹ sẽ luôn ủng hộ con”, rồi mẹ ôm tôi và cháu ngoại vào lòng mẹ hôn lên má cháu ngoại và tôi, nghẹn ngào mẹ nói với đứa cháu bé bỏng mà mẹ đã chăm sóc yêu thương từ khi sinh ra “Con sang đó với ông bà nội và bố rồi, con đừng quên bà ngoại nhé con...” cứ thế rồi nức nở. Tôi bước lên máy bay mà trong lòng như muốn vỡ òa, vậy là tôi đã rời xa nơi chôn rau cắt rốn, xa mái nhà thân yêu nơi có mẹ có em, nơi mà cái Tết thân thương sum vầy sắp về còn mình lại phải khăn gói đi xa (hôm đó đã là ngày 28 tháng Chạp), cũng là rời xa nơi có những con người đã làm mình đau khổ.
Tôi và con trai đã đặt chân đến quê hương thứ hai của mình, ngày đầu quay trở lại hòn đảo Ngọc thơ mộng với bao nhiêu ước mơ và kỳ vọng gia đình thứ hai sẽ chào đón và yêu thương, bao bọc che trở cho mình. Sang tới nơi đã là tối 28 Tết, cái Tết đầu tiên bên nhà chồng nơi xứ người, con trai mất một thời gian đầu bỡ ngỡ lạ lùng với những người xung quanh, nhớ nhà nhớ bà ngoại luôn đòi vè nhà với bà, điều làm tôi không nhờ đến nhất chính là sự hắt hủi, lạnh nhạt của chồng tôi, với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, người thân, nhất là khi không khí Tết đang đến gần thì chồng tôi không những không hiểu và thông cảm cho vợ con chỉ biết hắt hủi mắng mỏ tôi. Vì con trai sinh ra ở Việt Nam đến khi hai tuổi nên chỉ nói được Tiếng Việt vậy mà chồng tôi không ngừng trì triết nói rằng tôi không biết dạy con, ngay đến những điều nhỏ nhặt như khi con trai tôi đòi đồ chơi của trẻ khác tôi cũng bị chồng mắng chửi mấy ngày Tết. Hai mẹ con tôi mới sang Đài Loan, lạ nước lạ cái, bất đồng ngôn ngữ, lại đúng dịp tết, vậy mà chồng tôi không hiểu, thông cảm và chia sẻ cho tôi vơi di nỗi nhớ nhà. Ngược lại, chồng tôi chỉ biết hắt hủi, mắng mỏ. Tôi thấy quá buồn và tủi thân, không biết mình đã lựa chọn con đường đúng hay sai? Sau những ngày đó tôi không thể nở nụ cười trên môi, chỉ biết khóc thương cho số phận hẩm hiu của mình. Vợ chồng tôi luôn xảy ra cãi cọ, xô xát. Chồng tôi hay chửi vợ đánh con, nửa đêm con ngủ không ngon giấc nên bé thức dậy khóc cũng bị đánh. Hai mẹ con tôi mới sang được một tháng nhưng chồng tôi liên tục dọa bắt con và cho tôi về nước. Tôi thấy thật buồn vì tôi có cố gắng bao nhiêu cũng vẫn bị ghẻ lạnh vì tôi bị coi là cô dâu Việt, người ngoại tộc.
Hai mẹ con tôi sang được hơn một tháng nhưng chồng tôi không cho một đồng tiền nào, không cho tôi liên lạc với bạn bè, còn nói với tôi những câu lạnh lùng “đón cô sang đây, cho cô chỗ ăn chỗ ở, có điện có nước dùng rồi còn cần tiền làm gì?”. Những câu nói đó như một vết cắt sâu trong trái tim tôi. Phải chăng hôn nhân không tình yêu là như thế này đây? Phải chăng lấy chồng Đài Loan là vậy đây? Hay vì chồng tôi ra ngoài có người khác nên mới hắt hủi vợ con như vậy? Tôi đã bỏ hết bao mơ ước mong muốn lấy được người mình thương yêu để bây giờ tôi gặp phải cuộc hôn nhân không tình yêu. Phải chăng đó là cái giá phải trả cho cuộc đánh đổi này? Tôi đã có ý định bỏ về Việt Nam, nhưng nghĩ đến mẹ già với những giọt nước mắt rơi trên gồ má gầy gò, xạm nắng của mẹ, với bao lời đàm tiếu khi tôi vác bụng bầu về Việt Nam, khi họ hàng, láng giềng đã nghĩ tôi lấy chồng Đài sẽ có được cuộc sống sung túc và nhất là không thể quay lại với hoàn cảnh như này để hai con người bội với tôi năm xưa sẽ nhạo báng, hả hê khi nhìn thấy tôi về nước với hoàn cảnh éo le như vậy, chỉ nghĩ đến vậy thì tôi lại nuốt nước mắt vào lòng quyết tâm, quyết tâm nhẫn lại cố gắng chịu đựng. Bù lại phần nào là bố mẹ chồng tôi là những người tốt, họ hiểu và cảm thông cho tôi khi biết con trai mình đã đối xử với tôi như nào nên đã an ủi tôi rất nhiều. Cũng may là chồng tôi đi làm xa, khoảng nửa tháng mới về nhà một lần không thì tôi không biết mình có đủ bản lĩnh để sống tiếp với người chồng đó không. Bây giờ thì con trai tôi đã đi nhà trẻ,tôi đi làm xây dựng cùng bố mẹ chồng vì chồng tôi không cho tôi đi làm công ty lên tôi buộc nghe theo sự sắp xếp của ông bà, công việc tôi đang làm khá nặng nhọc , vất vả đối với một đứ con gái gầy gò nhưng tôi sẽ cố gắng vì những người thân yêu của tôi, với hy vọng “sau cơn mưa trời sẽ nắng” cái nắng đó sẽ làm khô nước mắt của sự cô đơn, của nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân, của những gì đắng cay mà tôi đang nếm trải, ông trời hẳn sẽ không lấy đi hết của ai cái gì, mong là tôi có đủ sức khỏe để làm việc, để kiếm tiền giúp đỡ mẹ già, chăm sóc con nhỏ và đến một ngày nào đó được trở về đất mẹ với nụ cười trên môi mà nói với mẹ rằng “ Mẹ ơi con luôn khỏe mạnh và sống hạnh phúc với gia đình nhỏ của con, con đã được đền đáp với lựa chọn của mình rồi, mẹ hãy yên lòng mẹ nhé” tôi rất rất mong sẽ có ngày đó và cố gắng để ngày đó sẽ là thật chứ không phải mơ nữa.
Những cô dâu Việt như tôi sang nơi đất khách quê người chỉ mong nhận được tình yêu thương, sự cảm thông bao bọc ở nơi gia đình thứ hai, không riêng gì tôi mà tôi mong cho tất cả những cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc như tôi được chồng và gia đình chồng tôn trọng, đó là mơ ước và khát khao của chúng tôi, xin hãy hiểu và giúp đỡ chúng tôi-những người con gái bất đắc dĩ phải lấy chồng xa xứ cực lắm ai ơi!
“Đời người con gái như mười hai bến nước, biết bến nào đục bến nào trong”


Recommendation(評審評語):Giấc Mơ Nơi Xứ Người” kể về câu chuyện sang Đài Loan làm việc của nữ nhân vật chính, cô đã gặp và yêu người con trai đồng hương, bạn trai cô về nước trước, nhưng lại thay lòng đổi dạ yêu người bạn thân của cô. Trong nỗi đau tột cùng, cô đã chọn con đường lấy chồng Đài Loan. Nhưng, hôn nhân không suôn sẻ đầm ấm như cô tưởng, chồng cô đối xử khá lạnh nhạt, may thay anh ta thường đi làm xa, nên cô đã vừa nuôi con vừa cố gắng làm việc, chỉ mong rằng một ngày nào đó cuộc sống của mình sẽ được thay đổi. Nội dung câu chuyện rất đơn giản, nhưng chi tiết đầy đủ, tác giả không giấu diếm hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng không cố ý kể lể về những đau khổ của mình.