MÙA NHÃN CHÍN

2014-05-21 / Cổ Lam / MÙA NHÃN CHÍN / Tiếng Việt / Không

Tháng Sáu hè về, cũng là vừa lúc bước vào mùa nhãn chín.
Một thôn trang nhỏ nằm ẩn mình trong đồi nhãn ấy, cả một đồi nhãn xanh rì, cách thị trấn bên dưới cũng chừng hơn năm, sáu cây số. Cuộc sống nơi đây vốn vẫn yên bình như từ bao đời nay. Những hộ gia đình trong thôn sống chủ yếu là nhờ vào trồng nhãn. Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa nhãn chín là cả thôn lại rộn ràng. Nhà thì thu hoạch để đưa ra chợ bán. Có nhà thì lại chở nhãn về để sấy lên, làm thành nhãn khô hay món nhãn nhục ngọt đượm rất ngon. Hôm nay, Dung dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị đồ ăn cho tất cả mọi người vì lát nữa cả nhà sẽ lên đồi thu hoạch nhãn. Thường thì bà cụ Vương, mẹ chồng của Dung sẽ làm việc này, nhưng cả tháng nay bà trở mệt, phải nằm dưỡng bệnh trong buồng, không đi đâu được hết. Dung là một trong số những cô dâu Việt Nam hiếm hoi ở thôn trang này.
***
Cơn mưa mấy ngày qua như gột rửa hết thảy mọi u ám của bầu trời, làm cho mọi thứ trở nên thật mát mẻ và quang đãng. Buổi làm việc hôm nay càng vui vẻ hơn bởi có thêm chị em nhà A Mỹ, A Cửu bên hàng xóm sang giúp đỡ nữa. Ngay giữa vườn nhãn, A Hòa, chồng của Dung dựng lên một cái chòi nhỏ vừa là nơi tập trung nhãn đã thu hoạch vừa là nơi để nghỉ ngơi sau thời gian chăm sóc cây vườn. A Mỹ và Dung đang bó nhãn lại thành từng chùm rồi xếp vào giỏ tre để lát có thể mang đi giao cho người thương lái. Đến giữa buổi, trời cũng bắt đầu chói nắng, A Hòa và A Cửu vào chòi nghỉ ngơi. Họ cùng uống một loại nước giải khát được pha thêm rượu có độ cồn nhẹ. Khuôn mặt hai người không biết có phải vì vậy hay tại bởi nắng mà cứ đỏ ửng lên.
- Dạo này Dung vẫn đi làm chí nguyện viên ở sở di dân đều chứ? – A Cửu bất chợt mở đầu câu chuyện.
- Dạ cũng thường anh A Cửu à, công việc ở đó thật thú vị, em rất thích, với lại được gặp nhiều người Việt Nam nữa – Dung cười đáp lại.
A Cửu cụng ly với chồng Dung rồi tiếp, giọng nửa đùa nửa thật:
- Có ai giống như Dung không? Tôi cũng muốn cưới được người vợ Việt Nam giống như A Hòa cưới được Dung vậy.
- À, phải coi anh có được may mắn như… chồng em không đã – Dung cười lớn làm mọi người cùng cười theo.
- Ừ, A Hòa phải có phúc lớn mới cưới được người vợ như Dung đây, khà khà… À này, Dung có định đi học tiếp chương trình lớp ban đêm mà hôm trước tôi giới thiệu không?
Dung chưa kịp trả lời thì A Mỹ đã nói thêm:
- Ừ được đấy, nên đi học đi Dung à. Học để thêm hiểu biết, xã hội ngày nay tiến bộ nhiều rồi, nhiều tuổi như chị không thể theo kịp được nữa, giờ có muốn đi học cũng rất là khó.
- Dạ em cũng rất muốn như vậy ạ. Nhưng cần phải sắp xếp thời gian cho hợp lý. Vì ở nhà em cũng rất nhiều việc. Ai cũng đều bận rộn cả. – Dung trả lời. Dĩ nhiên cô và chồng đều biết ngoài những khó khăn như vậy ra, một nguyên nhân lớn hơn khiến cho hai vợ chồng chưa thống nhất được kế hoạch đó là vì chưa được sự đồng ý của bà cụ Vương.
- Thôi ta đi làm tiếp nào! – chồng Dung dốc hết ly nước trên tay để kết thúc câu chuyện rồi đi thẳng ra ngoài vườn.
***
Sức khỏe bà cụ Vương vẫn chưa thấy đỡ hơn mấy.
- Bây giờ mà còn đi học làm gì nữa con – mẹ chồng Dung giọng thều thào, đứt quãng giữa những cơn ho – hãy tập trung làm kiếm thật nhiều tiền cho thằng A Hưng đi học là tốt rồi. Nó còn cả một tương lai dài phía trước cần phải chăm lo.
Dung không dám nói thêm điều gì. Chỉ “dạ” nhẹ trong miệng rồi lại tiếp tục đút cơm cho mẹ chồng. Thực ra, mấy hôm nay, đề nghị của A Cửu cứ thôi thúc mãi trong lòng Dung. Nó như gợi lại cái ao ước được học hành mà từ lâu Dung đành phải gác lại chỉ vì hoàn cảnh gia đình. Trong thâm tâm, Dung rất muốn được đi học. Từ khi đến Đài Loan, hòn đảo ngọc này đã mang đến cho Dung nhiều điều mới mẻ, gây cho Dung sự tò mò, khiến cho Dung muốn được tìm hiểu về nó. Chồng Dung cũng đã có ý xuôi xuôi, mặc dù anh vẫn còn lo nhiều nỗi lo lắng, nhưng còn mẹ chồng thì bà vẫn chưa thông được. Đây quả là một việc rất khó.
Tối A Hòa leo lên giường nằm bên cạnh vợ và con. Dung vẫn đang ôm lấy bé Hưng đã ngủ say. Khẽ vòng tay ôm vợ, chồng Dung thỏ thẻ:
- Vợ nhất định đi học đó chứ?
- Nhất định mà. Chỉ không biết làm cách nào để mẹ chấp nhận được đây.
- Đúng là khó thật. Chồng nghĩ làm gì cũng cần một chữ tâm, một cái tâm chân thành. Chồng sẽ phân tích thêm cho mẹ hiểu. Ngày xưa, nếu chồng ham học, thì cuộc sống có lẽ đã khá hơn nhiều, chứ không phải chỉ trông chờ vào vườn nhãn như bây giờ.
- Ừ, mà có khi như vậy vợ chồng mình lại không được gặp nhau cũng nên – Dung đùa làm chồng Dung cũng cười ngất.
- Có lẽ vậy thật đấy. Nhưng may, ông Trời không có lấy hết của ai bao giờ, ông Trời đã cho chồng một người bạn đời tốt như vợ vậy. Chồng quyết định sẽ ủng hộ vợ đi học.
- Cảm ơn chồng thật nhiều! - Trong đêm tối, nhưng A Hòa vẫn cảm nhận được là vợ anh đang mỉm cười.
- Trưa này nghe A Cửu nói vậy, có vẻ như A Cửu thích vợ lắm đấy nhỉ?
- Chỉ giỏi đoán mò. Mà sao tự nhiên hỏi vậy?
- Hỏi chơi thôi. À mà hồi xưa còn ở Việt Nam, dễ thương như vợ chắc có nhiều người để ý lắm đó nhỉ?
- Ai biết? Bộ chồng tính ghen hay sao vậy? – Dung trêu chồng.
- Có đâu, không ghen. Vợ chồng rồi, không thèm ghen, không ghen – A Cửu vừa nói vừa huơ huơ hai bàn tay.
Dung thấy điệu bộ của chồng thì không nhịn được cười.
- Thôi ngủ đi, ngủ đi. Mai sẽ lại vất vả nhiều đấy.
Câu chuyện với chồng khiến Dung tự dưng lại không ngủ được nữa. Kí ức từ những ngày xưa bỗng hiện về. Lâu nay Dung cứ tưởng đã quên được nó để có thể sống vui những ngày tháng nơi quê chồng, với gia đình chồng. Nhưng chỉ điều đơn giản như thế thôi mà Dung cũng không thể nào làm được. Dung nửa muốn quên đi, nhưng nửa lại không dám quên. Bởi đó là những thanh âm trong trẻo, hồn nhiên đầu tiên được cất lên trong giai điệu cuộc đời. Đã đôi lần, kỉ niệm lại về trong những giấc mơ để sáng hôm sau Dung bần thần trở về với thực tại. Nhưng cũng chốc lát thôi bởi Dung cũng còn phải sống cho gia đình chồng, và nhất là cho bé Hưng, “bảo bối” của mình. Dung thấy chồng nói đúng, ông Trời không có lấy của ai tất cả. Dẫu sao, Dung cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều cô dâu người Việt khác khi được gia đình chồng yêu thương. Vợ chồng Dung tuy trước đây không phải lấy nhau vì tình yêu nhưng sau này đã sống vì tình yêu. Chính cái nghĩa đã làm nên chữ tình, như người ta vẫn nói “một ngày chồng vợ trọn kiếp phu thê”. Vì lẽ đó mà Dung đã vượt qua những lạ lẫm, trở ngại ban đầu để có thể xây dựng cho gia đình mình một cuộc sống hạnh phúc.
Giấc mơ là một thế giới diệu kì, bởi nơi ấy, con người ta có thể sống một cuộc sống khác. Một cuộc sống mà họ có thể làm được những điều mình mong ước, họ có thể đến với tương lai hoặc tìm về quá khứ. Bao năm qua, nỗi nhớ quê vẫn luôn day dứt trong Dung và giấc mơ chính là nơi mà Dung được sống với quê nhà một cách rõ ràng nhất, yêu thương nhất. Những ngày này có lẽ ba má với thằng út cũng đang tất bật với mấy liếp nhãn long bắt đầu chín rộ. Cuộc sống quanh năm chỉ trông chờ vào những đợt thu hoạch như lúc này.
Ngày đó, hai nhà chung một ấp, Dung và Phát chơi với nhau từ nhỏ rồi cùng lớn lên, thương nhau rồi yêu nhau. Tình yêu của họ đến như một lẽ tự nhiên như cây quả tới mùa thì đơm hoa kết trái, không những vậy lại còn được cả hai gia đình cũng như bà con lối xóm ủng hộ vun đắp nên càng thêm đượm nồng. Rồi nó lớn dần lên theo những buổi chiều hẹn hò, khi ánh hoàng hôn tan dần vào con nước.
- Nhớ về sớm sớm nha Dung. Con gái đi chơi khuya quá là không nên! – Mẹ Dung vẫn luôn dặn như vậy mỗi khi Dung xin phép đi chơi sau bữa cơm chiều.
- Khỏi lo má, anh Phát có làm gì là con cho anh xuống sông liền – Dung đáp gọn lỏn.
- Bay cứ vậy hoài, may có thằng Phát nó quen, chứ không hổng có đám nào dám rước quá.
- Má phải tự tin như con gái của má chớ. Thôi con đi chút con về liền hà – Dung nói rồi với tay xách mớ khoai mới nướng còn nóng hâm hấp mang theo để lát có cái mà nhấm nháp.
Chiếc xuồng ba lá bơi chầm chậm men theo dòng kênh nhỏ. Hai bên bờ những chùm nhãn nặng trĩu như đang cố soi mình trên mặt nước. Có cảm giác như chỉ cần huơ tay một cái là đã có thể bẻ được một chùm nhãn sum sê lắm vậy.
- Năm nay coi bộ nhà em trúng nhãn heng. – Phát khua nhẹ mái chèo.
- Cũng khá anh. Nhưng mà năm nào được nhiều thì giá lại thấp, ba má em rầu quá. Lâu lâu mới trúng mùa như vầy mà.
- Ừa, bên anh cũng vậy. Nhưng mà đợt này đỡ, ba má anh nói sắp tới có đủ tiền cho anh cưới vợ rồi đó.
- Ủa vậy hả, mà anh tính cưới ai vậy ta? – Dung cười rúc rích, mặt giả bộ ngó lơ vào đôi tay đang bóc bóc những củ khoai còn lan hơi nóng.
- Ai biết đâu, bộ quan tâm lắm hả?
- Hứ! Ai thèm quan tâm chi!...

- À, mà anh Phát nè, đi hết con kênh này là ra tới đâu vậy?
- Thì sẽ ra tới sông cái đó. Bơi hết con sông cái là ra đến biển.
- Thích ha. Ngoài biển đó đẹp hông anh?
- Anh cũng như em vậy thôi, chưa đi bao giờ nên đâu có biết. Có điều ngoài đó sóng to gió lớn lắm đó.
- Nhưng mà chắc cũng có nhiều cái hay lắm há. Em thấy người ta nói ngoài biển không có giống như trong ấp mình nên cũng muốn coi cho biết vậy mà. Hay sau này anh đưa em đi nha!
- Anh không hứa trước đâu à. Mà mình cứ sống ở đây, với vườn nhãn này, con kênh này, đi chi đâu xa cho mệt thân. Em muốn chơi nước, anh bơi xuồng đưa em đi chơi, chịu heng!

Ấy vậy mà cuộc đời vẫn luôn chứa đựng nhiều nỗi éo le. Cha Dung bỗng dưng trở bệnh nặng, sức lao động không còn, nhà lại phải bán đi một phần đất vườn để lấy tiền chạy chữa, nên gia cảnh vì vậy mà rơi vào khốn khó. Mối tình đẹp đẽ như dòng sông quê của Dung và Phát cũng không có một cái kết như người ta mong muốn. Những giận hờn muôn thuở của tình yêu đã bị tự ái cá nhân dung túng đẩy hai người dần xa nhau. Để rồi mùa nhãn năm ấy, đã không có được một cái đám cưới như dự định. Sang mua nhãn năm sau, Phát lấy vợ, một cô thôn nữ ở đâu ấp bên, trông cũng hiền lành và ít nói. Nỗi buồn ôm chặt lấy thời gian cứ bám theo dai dẳng cuộc đời Dung. Trong thâm tâm, Dung không tin, càng nghĩ Dung càng không thể tin sự thật là như vậy! Chẵng lẽ những cảm nhận mơ hồ trước đây của Dung là đúng, nguyên nhân thật sự chính là cách nhìn nhận cuộc sống và cái mơ ước về tương lai của hai người không giống nhau, hay là vì… nhà Dung nghèo (?!)
***
- Mẹ à, con muốn xin phép mẹ chuyện đi học của vợ con. Xin mẹ hãy đồng ý cho em Dung đi học, việc nhà thì cả hai vợ chồng con sắp xếp được mà.
Bệnh tình của bà cụ Vương càng trở nên trầm trọng. Sợ rằng không qua khỏi, bà bèn gọi vợ chồng Dung và đứa cháu nội lại bên giường mà căn dặn. A Hòa cũng sợ rằng đây là cơ hội cuối cùng để phân bày với mẹ, bởi sau này lỡ bà về với tổ tiên rồi mà anh có cho Dung đi học cũng sẽ thấy rất áy náy.
- Dung à, con hãy thương lấy chồng con mà tận tâm tận lực lo cho nó, lo cho cái nhà này. Đừng đi học nữa, không còn thời gian đâu, mà học giờ về sau này cũng không còn làm được gì nữa. Phải tiết kiệm thật nhiều tiền để lo cho A Hưng sau này. Mẹ cũng đã cân nhắc kỹ rồi, các con đừng bàn thêm làm gì nữa... – Bà cụ nói chưa dứt câu thì ho liền một tràng dài.
Dung linh cảm sức khỏe mẹ chồng đã rất xấu, vội nói chồng gọi cấp cứu ngay.
- Cấp… cấp cứu á? ờ… ờ… em gọi, em gọi đi? – A Hòa luống cuống, một tay đỡ mẹ dậy, một tay vuốt ngực cho bà cụ.
Gần nửa tháng sau đó, Dung vừa phải lo chạy vào bệnh viện để nuôi mẹ chồng, lại phải lo phụ chồng thu hoạch nhãn. Nhờ kịp thời cứu chữa và bàn tay chăm sóc của Dung mà sức khỏe của bà cụ Vương đã qua cơn thập tử nhất sinh. Lúc mở mắt ra, bà lại thấy Dung ngồi bên cạnh giường bệnh mà xoa bóp cho bà. Tự dưng, trong lòng bà trào dâng một nỗi niềm khó tả. Tính ra từ ngày về làm dâu nhà họ Vương, Dung chưa một lần nào tỏ ra thiếu lễ phép, mọi việc trong nhà, ngoài cửa Dung đều lo chu toàn. Dung cũng đã kịp cho bà một đứa cháu nội kháu khỉnh như vậy. Và cũng chính Dung đã khuyên chồng để bà ở lại nhà rồi Dung sẽ chăm sóc chứ không nên đưa vào viện dưỡng lão như người ta khuyên. Tự nhiên bà thấy thương Dung như chính con gái ruột của mình vậy. Thế mà lại đành lòng không cho con gái ruột của mình thực hiện ước nguyện của nó sao. Vậy thì bà sẽ ân hận mất thôi! Nghĩ tới lúc đó, khóe mắt bỗng thấy cay cay, nhưng bà vẫn cố giấu không để cho Dung biết.
- Con hãy đi học, con nên đi học, Dung à.
Quá đỗi bất ngờ, Dung không nói nên lời, trong nỗi xúc động trào dâng, Dung ôm lấy mẹ chồng mà gọi:
- Mẹ… mẹ….
***
Chiều nay, sau khi tan buổi trực ở sở di dân, Dung chạy xe qua trường đón con. Hai mẹ con đi chợ mua ít đồ dùng cho bữa tối rồi về nhà. Con đường chiều nay thật vắng vẻ. Hai bên đường những cây nhãn mới hôm nào nặng trĩu những chùm quả, nay đã xanh mơn mởn những lá non.
- Nay ở trường có gì vui không con?
A Hưng nãy giờ vẫn ngồi sau ôm lấy mẹ, nghe hỏi thì bi bô:
- Dạ vui, có mấy anh chị sinh viên đại học tới dạy lớp con làm diều. Có người biết con có mẹ là người Việt Nam nên mới hỏi con biết nói tiếng Việt không. Con nói không, nhưng mà biết hát tiếng Việt, rồi con hát cho mọi người nghe bài “Cháu yêu Bà” mẹ dạy con đó. Ai cũng khen con hát hay.
- Con của mẹ thật giỏi, để mẹ sẽ dạy con nói thêm nhiều tiếng Việt nha.
- Dạ. À mẹ ơi, hết nhãn rồi.
- Ừa, năm nay hết nhãn rồi, năm sau lại có tiếp thôi con ạ.
- Năm sau A Hưng lớn rồi, A Hưng sẽ phụ mẹ hái nhãn nha.
- Ừ, A Hưng ngoan, cho A Hưng bẻ nhãn với mẹ!
Đường chiều về nhà hôm nay bỗng thấy vui vui lạ.



Recommendation1(評審評語1):Mùa Nhãn Chín” kể về câu chuyện của một cô gái lấy chồng Đài Loan, và quá trình xin phép mẹ chồng cho cô được đi học. Nhà chồng nhân vật chính trồng nhãn, cô và anh chồng rất chịu khó làm việc, cuộc sống vợ chồng cũng rất đầm ấm, chỉ vì mẹ chồng cô thường lấy lý do “vợ chồng phải cố gắng phấn đấu vì tương lai của con trai” để ngăn cản cô tiếp tục đi học. Rồi mẹ chồng cô lâm bệnh, sự chăm sóc tận tình của con dâu đã khiến mẹ chồng cảm động, cuối cùng mẹ chồng cũng đã xiêu long chấp thuận lời thỉnh cầu của con dâu, trong nỗi xúc động trào dâng, người con dâu đã ôm lấy mẹ chồng và gọi “mẹ”. Nhà chồng trồng nhãn, nhà cô ở quê cũng vậy, bối cảnh chính của câu chuyện là thời gian thu hoạch nhãn ở nhà chồng, đến giữa truyện, tác giả đã them vào phần hồi ức khi ở quê của nhân vật chính, nhằm giải thích nguyên do khiến cô gả sang Đài Loan, cuối cùng lấy cảnh đón con làm phần kết, tác giả dùng vườn nhãn làm ý tưởng chính để kết nối toàn tác phẩm, giúp tác phẩm được thể hiện một cách hoàn chỉnh, và càng mang đậm tính chất tượng trưng.

Recommendation2(評審評語2):Mùa Nhãn Chín” là một câu chuyện mang tính chất văn học, nhưng đồng thời cũng có thể là trải nghiệm của chính tác giả. Bố cục bài viết tương đối chặt chẽ, lời văn suôn sẻ. Nội dung câu chuyện ngoài việc khắc họa một cách chân thật cuộc sống của cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, được gia đình chồng thương yêu và bảo bọc, còn thể hiện nỗi nhớ nhà mãnh liệt của nhân vật chính. Hình ảnh chiếc xuồng ba lá, những người dân làng chất phác, chính là những ký ức đẹp đẽ mà người tha hương không dễ dàng quên lãng. Sự giao thoa giữa Đài Loan và Việt Nam không chỉ giúp tác giả phản ánh cuộc sống ở hai nơi, cũng đồng thời thể hiện hai cung bậc tâm trạng của cô dâu Việt: một mặt là tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với chồng; mặt khác lại là sự hoài niệm vô tận của cô đối với mảnh đất sinh thành, đối với người thân và những người bạn cũ. Cho dù cuộc sống hằng ngày với những lo toan sẽ giảm bớt phần nào nỗi nhớ nhung, nhưng chỉ cần một tình cảnh bất ngò, như mùi hương nhãn, cũng đủ để nỗi nhớ quê trong tâm tư cô lại trỗi dậy, dìm cô vào vực sâu ký ức.